Kè ly tâm chắn sóng - Hành lang kiên cố bảo vệ đê biển Sóc Trăng (Lượt xem: 2181)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Tin địa phương

Cập nhật: 27/10/2024

Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có tuyến đê biển dài khoảng 50 km. Những năm qua, một số đoạn đê đã bị sóng biển, xâm thực, gió bão gây xói mòn, sạt lở. Ngoài triển khai Dự án nâng cấp đê biển, tỉnh Sóc Trăng còn được Trung ương hỗ trợ kinh phí để xây dựng Kè ngầm chắn sóng tại một số khu vực xung yếu. Công trình mang tính “đột phá” này đã góp phần phòng, chống thiên tai, giảm đáng kể tác động của sóng biển, đảm bảo an toàn cho toàn tuyến đê biển.  

Kè ly tâm chắn sóng - Hành lang kiên cố bảo vệ đê biển Sóc Trăng
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đi kiểm tra đê biển Vĩnh Châu.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tại khu vực đê biển Vĩnh Châu diễn ra hiện tượng dòng xoáy của biển ngày càng thất thường. Nếu kết hợp cùng thời tiết xấu, nguy cơ xâm thực bờ biển, sạt, lở đê biển là rất cao. Đặc biệt là tại những khu vực xung yếu trên địa bàn xã Lai Hòa (đoạn từ giáp ranh Bạc Liêu đến Cống số 2), với chiều dài khoảng 6 km và trên địa bàn xã Vĩnh Hải (đoạn từ cống 15 đến K47), chiều dài 8,5 km.

Thi công Kè chắn sóng.

Do ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế nên đối với những đoạn đã bị sạt, lở, chúng tôi chỉ kịp thời khắc phục tạm thời bằng giải pháp đóng cừ bạch đàn, lót vải và tấn bao đất để giữ chân đê, tránh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và sinh hoạt của người dân, ông Mã Chí Thọ - Trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, nói.  

Thời gian qua, từ ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hàng loạt các Dự án nâng cấp. Tiêu biểu là xây dựng hệ thống Kè chống sạt, lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc, tại đoạn từ K39 đến K45 đoạn giáp ranh Bạc Liêu trên địa bàn xã Lai Hòa với chiều dài tuyến là 2,2 km. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình đã phát huy rõ tác dụng khắc phục được triệt để tình trạng xâm thực, sạt, lở đê biển, đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển quan trọng của tỉnh.

Theo ông Võ Quốc Tâm (ảnh trên) - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 2, tỉnh Sóc Trăng thì đối với đoạn đê biển từ Cống số 2 đến Cống số 4 khi chưa có Kè ly tâm sóng đánh vô rất nhiều, phá hỏng nhiều diện tích rừng phòng hộ ven đê, nhiều khu vực gần như không còn rừng, và khi đánh vào thân đê thì gây lỡ gần 2/3 thân đê. Sau khi đưa Kè ly tâm vào sử dụng thì đã ngăn sóng và tạo bãi bồi. Hiện nay, đất được bồi lên bên trong công trình  so với mặt đất tự nhiên bên ngoài là từ 6 đến 8 tấc.

Từ hiệu quả mang lại trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng công trình Kè ly tâm chắn sóng đoạn từ K39 đến K45 với chiều dài 1,5 km trên địa bàn xã Vĩnh Hải. Và hiện nay, tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai thêm công trình Kè ngầm tiếp nối đoạn từ K39 - K45 về phía cầu Mỹ Thanh 2 với chiều dài 6,425 km.  

Rừng phòng hộ đê biển Vĩnh Châu.

Khi tình trạng xâm thực bờ biển được khắc phục, phù sa được bồi đắp cũng là điều kiện để rừng phòng hộ ven khu vực đê biển phục hồi và phát triển. Sau khi công trình Kè ngầm chắn sóng hoàn thiện, đầu năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đã trồng 5 ha rừng bên trong khu vực bờ Kè. Đến nay 10.000 cây Mắm được trồng và phát triển thành rừng. Về lâu dài, đây còn là nơi mang đến cho người dân sinh sống ven khu vực tăng thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác thủy sản dưới tán rừng, phối hợp tốt cùng chính quyền địa phương, gắn bó với công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Trung Quốc - Hạt Kiểm lâm TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho biết, hiện thị xã Vĩnh Châu có 13 khu vực bờ sông, bờ biển đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục sạt, lở với chiều dài trên 20 km. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tình trạng sạt, lở bờ biển không chỉ đe dọa đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích rừng phòng hộ ven biển tại địa phương. Vì vậy, các công trình Kè ngầm chắn sóng khi hoàn thiện sẽ tạo nên hành lang kiên cố, vừa bảo vệ bờ biển, vừa gây bồi, tạo bãi để phát triển rừng phòng hộ ven biển của tỉnh.

Một góc nhìn Kè ngầm chắn sóng đê biển Vĩnh Châu.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đánh giá công trình Kè ngầm chắn sóng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ thân đê, gây bồi, tạo bãi để khôi phục rừng phòng hộ, góp phần mang lại các mô hình sinh kế hiệu quả dưới tán rừng, đặc biệt là bảo vệ an sinh, đời sống sản xuất của bà con trong khu vực trong đê; các đoạn Kè hoàn đã gây bồi, tạo bãi cho khu vực xung quanh rất tốt. Hiện nay, chúng tôi cũng đang đề xuất với cấp trên nên bố trí kinh phí để gây lại rừng phòng hộ từ chân đê ra đến tuyến Kè để đảm bảo chắc chắn, an toàn cho toàn tuyến đê trong thời gian tới. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên quan trắc dòng chảy và mức độ bồi lắng, mức độ xói lở trên bờ biển để kịp thời ứng phó nếu có tình huống thiên tai xảy ra.

Thực tế công tác phòng, chống thiên tai nhiều năm qua tại tỉnh Sóc Trăng, cho thấy giải pháp công trình vẫn là giải pháp tối ưu, có ý nghĩa quan trọng trong giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra. Riêng công trình Kè ly tâm chắn sóng, chống xâm thực, xói mòn bờ biển còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khôi phục và bảo vệ trên 4.000 ha rừng phòng hộ ven biển của tỉnh, góp phần cân bằng hệ sinh thái tự nhiên; tạo thêm sinh kế, cải thiện thu nhập cho khoáng 15.000 hộ dân sinh sống bên trong đê và bà con dân tộc vùng ven biển./.

Ngọc Thơ, Bình Trọng


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online